Thứ Sáu, 22 tháng 11, 2013

Nguyên nhân và triệu chứng gai cột sống

Khoảng 50% bệnh nhân đến khám bệnh cơ – xương – khớp mang nỗi ám ảnh bị bệnh gai cột sống được phát hiện tình cờ hoặc khi đau lưng chụp phim thấy các “gia”. Cũng không ít thầy thuốc gán cho các “gai” này là nguồn gốc của mọi đau đớn ở lưng. 
Còn đối với bệnh nhân, thật là “lạnh xương sống” khi tưởng tượng các gai quáy ác ấy đâm vào tủy sống hay rễ thần. Không ít người yêu cầu bác sĩ mổ đục bỏ các gai ấy đi và nếu bạn giải thích rằng trong tất cả các trường hợp mổ như thế thì chưa cần thiết thì chưa chắc họ tin bạn đâu! Vậy chúng ta thử tìm hiểu xem bản chất bệnh gai cột sống là gì? Tại sao tạo gai? Các gai này có gây đau lưng không? Và điều trị bệnh ra sao, có cần đục bỏ các gai ấy không?

Bản chất bệnh “gai” cột sống


Có lẽ từ “gai” này được quần chúng đón nhận một cách rộng rãi. Tuy nhiên, về y học “gai”cột sống chỉ là một dấu hiệu của bệnh thoái hoá cột sống. Các tổn thương thoái hoá có thể xảy ra ở:

- Mấu khớp sau: Làm hẹp khe khớp, xơ đặc xương và tạo các “cựa xương”, khó thấy trên phim.

- Đĩa gian đốt sống (đĩa sống)

- Thân đốt sống: Bị xơ đặc xương, tạo các “gai xương” ở nơi bám vào dây chằng, có thể chèn ép tủy sống, rễ thần kinh và hiếm hơn là các mạch máu. Trên phim X-quang, ta thấy hình ảnh “gai xương” là do hình chiếu trên mặt phẳng hai chiều, trong thực tế thì đó chính là một vành xương phản ứng

Ở người trẻ tuổi, nước chiếm 80% nhân đĩa sống. Về già, nhân đĩa sống mất dần khả năng kết hợp với nước nên tính chất đàn hồi bị giảm và vòng sợi bao quanh bị đứt đoạn. Do đó, khi có áp lực đè lên thì đĩa sống bị thoái hoá và xẹp đi. Các chất trong nhân đĩa sống thoát ra làm tách các dây chằng nối 2 đốt sống và kích thích phản ứng tại chỗ mô sợi hoá calci (hoá vôi) hoặc hoá xương. Và như vậy, các gai xương được hình thành và sẽ thấy được trên phim X – quang. Thân đốt sống bị xơ đặc là di chứng của sự thoái hoá đĩa sống.

Đĩa sống bị hẹp cũng dẫn đến việc hẹp lỗ tiếp hợp (là nơi mà rễ thần kinh đi qua) do phình dây chằng dọc trước, có thể do “gai” xương ở phía trước và do các mấu khớp nhô vào ở phía sau.

Khi đĩa sống bị vỡ, nhân nhầy ở giữa có thể thoát ra phía sau gây chèn ép rễ thần kinh hoặc tủy sống (bệnh thoái vị nhân đĩa sống, ví dụ bệnh đau dây thần kinh toạ).

Như vậy, gai xương sống là hậu quả của quá trình thoái hoá đĩa sống, và là nguyên nhân gây “đau lưng” trong một số trường hợp (chứ không phải là tất cả).
Triệu chứng của bệnh thoái hóa cột sống

- Đau tại chỗ và đơ lưng: Có thể do tổn thương dây chằng cạnh xương khớp hoặc bao khớp hay co thắt cơ cạnh cột sống.

- Triệu chứng chèn ép rễ thần kinh: Thường gặp ở cột sống cổ do gai xương đè lên vì kích thước ống sống và lỗ tiếp hợp ở đoạn này hẹp. Triệu chứng gồm đau cổ, chạy lan xuống cánh tay và vai. Cánh tay và bàn tay có thể bị yếu đi và dị cảm (cảm giác như kiến bò, nóng rát…).

Ở cột sống lưng: Hiếm gặp, đau rễ thần kinh thường vòng theo lồng ngực. Cần phân biệt do đau với bệnh tim, bệnh herpes, viêm túi mật và bệnh lý màng phổi và nhất là bệnh lý ung thư.

Ở cột sống thắt lưng: Gây đau thần kinh toạ. Đau ở thắt lưng, lan xuống mông và có thể lan xuống cẳng chân và bàn chân. Cơn đau có thể tăng lên khi ho và khi rặn đi cầu. Trường hợp nặng, có thể gây rối loạn về cảm giác và vận động.

- Chèn ép tủy sống: Có thể gây ra bệnh lý tủy, mất cảm giác 2 bên mông, bí tiểu.

- Chèn ép các cơ quan sinh tồn: Có thể xảy ra ở cột sống cổ. “Gai” xương lớn ở phía trước có thể gây khó nuốt, khàn tiếng, ho. Chèn ép động mạch sống có thể gây ra thiếu máu ở vùng tủy sống và đáy não với các triệu chứng chóng mặt, nhìn một hình thành hai, nhức đầu, hoặc múa vờn. Các triệu chứng này thay đổi theo vị trí cổ và đầu.
Hà Phương